Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Pháp luật có khoan hồng cho người cha chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú?

Thấy con rể say xỉn ngang ngược quấy phá, chửi bới con gái mình trước cửa nhà, người cha tức nước vỡ bờ cầm dao chém con rể đến chết. Vẫn nguyên vết máu vương trên người, ông vác thi thể lên yên xe, mặt vẫn bình thản, ông lái xe chạy đến công an phường 13 để thú tội giết người.


Người cha vung dao, chấp nhận bản án cho chính mình để bảo vệ con
Nhà của ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958) nằm trong một con hẻm sâu ở đường số 3, phường 13, quận Gò Vấp, TP. HCM. Người dân sống ở đây ai ai cũng biết ông là người hiền lành, ít nói, không có tiền án tiền sự. Hàng xóm chỉ thỉnh thoảng đau đầu khi phải nghe những tiếng la hét, chửi bới của con rể ông là anh Tôn Thanh Việt (34 tuổi).
Pháp luật có khoan hồng cho người cha chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú? - Ảnh 1.
Nhà ông Nam nằm trong một con hẻm sâu ở đường số 13, quận Gò Vấp.
Ông Nam có 2 người con gái, Thanh Việt làm đám cưới với con gái thứ 2 của ông được 7 năm nay và có với nhau 1 đứa con trai đang học lớp một. Hai vợ chồng đều làm công nhân kiếm sống, tuy nhiên gần đây cuộc sống hôn nhân của hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên con gái ông dọn về ở với ba mẹ, còn Việt và con trai vẫn ở nhà mình cách đó không xa.
Thế nhưng mỗi lần say xỉn, Việt lại quay về nhà cha mẹ vợ và la hét, chửi bới, thậm chí đe dọa giết cả gia đình. Theo những người hàng xóm, Việt cứ liên tục quấy phá, nhưng gia đình ông Nam vẫn không dám phản kháng. Cho đến chiều ngày 14/5, khi Việt và con gái của ông xảy ra tranh cãi, xô xát, ông đã tự quyết một bản án cho chính mình để bảo vệ con.
Bức xúc khi thấy gã con rể chửi bới và xô ngã con gái mình, ông Nam chạy vào nhà lấy con dao phay to bản, chạy ra chém nhiều nhát vào vai và đầu Việt khiến nạn nhân gục chết ngay tại chỗ.
Pháp luật có khoan hồng cho người cha chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú? - Ảnh 2.
Sau khi gây án, ông Nam dùng chiếc xe gắn máy chở xác Việt đến thẳng Công an phường 13, Q.Gò Vấp đầu thú - Ảnh: FB Đội Hiệp Sĩ TP. HCM
Giết con rể xong, ông Nam bình tĩnh vác xác con lên xe gắn máy trước sự ngỡ ngàng xen lẫn sợ hãi của những người hàng xóm. Bà L. ở cách nhà ông 3 căn, kể rằng lúc ấy người của Việt chảy đầy máu, máu loang ướt cả xe máy và dính lên người ông Nam, nhưng ông vẫn giữ bình tĩnh để lái xe chở xác con rể chạy ra khỏi hẻm.
Không ai hiểu vì sao trong thời khắc kinh hoàng đó, ông Nam vẫn bình thản ngồi lên xe. Không nói với ai một lời nào, ông để người trần, đi chân đất, máu của con rể dính khắp người, rồi rồ ga chạy đi đầu thú. Khi đến Công an phường, ông để xác ngay trước cổng rồi vào phường khai nhận hành vi giết người. Dường như, khi cầm con dao trên tay, ông đã biết mình phải làm gì và biết rõ bản án mà mình sẽ lĩnh phải khi ra tay, nhưng ông vẫn chọn cách vung những nhát dao chí mạng xuống.
Nhiều người cảm thương cho "người cha sát thủ"
Sau khi sự việc diễn ra, trên mạng xã hội đã râm ran những lời chia sẻ, bình luận về bi kịch nghiệt ngã đến với gia đình ông Nam. Chỉ vì một thanh niên ngỗ ngược, mà một gia đình lại mất thêm một người đàn ông trụ cột.
Anh Trần Đình Hân nói: "Thật tội nghiệp người cha. Đau đớn nhất là thấy con gái mình sinh ra khôn lớn, lấy phải người không ra gì về hành hạ đánh đập, mạt sát. Khi nỗi chịu đựng của người cha đã hết thì chuyện gì đến nó cũng đến. Tôi thật sự bức xúc. Khi không có giải pháp gì, thì người cha làm như thế sao trách được dù đó là tội lớn. Tôi đã chứng kiến rất nhiều điều thế này trong một gia đình lớn. Rất thông cảm cho người cha...".
Pháp luật có khoan hồng cho người cha chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú? - Ảnh 3.
Ông Nam chở theo sau một cái xác đầy máu trong sự sợ hãi của bà con lối xóm - Ảnh: FB Đội Hiệp Sĩ TP. HCM
Chị Hạ Vy thì phân tích rằng, ông Nam giết người rồi đi tự thú, hành động này rõ ràng là người ta còn nhân tính, biết rõ mình đang làm gì. "Vì con gái mình rứt ruột sinh ra, ông dám đối mặt với pháp luật, để pháp luật định tội mình. Người cha người mẹ là vậy đó. Mỗi lần xem tivi cảnh bạo lực học đường, bố mình cũng hay nói: "Con tao mà tụi mày dám đánh kiểu đó, tao giết chết cho bố mẹ tụi mày về hốt cốt". Dẫu là câu nói đùa, nhưng các bạn không thể biết được cha mẹ sẽ làm gì vì các bạn đâu, dù có phải biến thành kẻ sát nhân".
Pháp luật liệu có khoan hồng?
Theo nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, ông Nam phải trải qua quá trình truy tố, điều tra và xét xử thì mới có thể kết luận phạm tội gì và với mức án như thế nào. Nhận định về hành vi giết người của ông Nam, Luật gia Nguyễn Trung Tín (Công ty Luật Thiên An) cho biết người cha này thực hiện hành vi chém người trong hoàn cảnh nạn nhân Việt liên tục thách đố, chửi bới thậm chí xô ngã cả con gái ông, như vậy không loại trừ khả năng vì nhất thời nóng giận và không kiềm chế được bản thân, nên ông Nam mới ra tay tàn nhẫn như vậy.
"Hành vi giết người thông thường được phân thành hai loại cố ý và vô ý. Trong trường hợp cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị truy cứu về Tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự 1999) với mức án từ bảy năm đến tử hình hoặc Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 Bộ luật hình sự 1999) với mức án từ 06 tháng đến 7 năm. Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể được hiểu là đối tượng phạm tội là do bức xúc trước hành vi trái pháp luật của nạn nhân", ông Trung Tín cho biết.
Pháp luật có khoan hồng cho người cha chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú? - Ảnh 4.
Luật gia Trung Tín.
Thông qua các tình tiết của vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra, vị Luật gia cũng cho rằng ông Nam có thể sẽ nhận được nhiều tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng từ pháp luật. Ví dụ như sau khi thực hiện xong hành vi sai trái, đã tự giác ra đầu thú thì đây là một tình tiết giảm nhẹ căn cứ vào điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 hoặc người phạm tội có nhân thân tốt. Bên cạnh đó, pháp luật sẽ xem xét đến động cơ và mục đích phạm tội của đối tượng để kết luận liệu rằng tội trạng như thế nào là hợp lý.
"Không ít các trường hợp, hành vi tội phạm thực hiện là do sự bức xúc trước hành vi trái pháp luật, trái đạo đức của nạn nhân. Điều này khiến cho người thực hiện hành vi phạm tội không còn giữ được bình tĩnh, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Để tránh rơi vào vòng lao lý, "vô phúc đáo tụng đình", trong đời sống hàng ngày con người cần cư xử đúng mực, tránh nảy sinh xích mích, hiềm khích. Nếu đôi bên không tự giải quyết được những vấn đề bất đồng, cần nhờ đến pháp luật can thiệp và bảo vệ", Luật gia chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét